Tour du lịch Đà Nẵng

Giới thiệu chung

Đà Nẵng được biết đến không chỉ là một thành phố cảng lớn nhất miền Trung Việt Nam mà còn là một địa danh gắn liền với công cuộc mở mang bờ cõi Đại Việt từ nhiều thế kỉ trước. Dấu vết của một cửa ngõ giao lưu quốc tế gắn liền với xứ Đàng Trong vẫn còn, và trong dư ba của lịch sử, đây là một tiền đồn quan trọng trong các cuộc chiến tranh của đất nước. Đây là một thành phố vừa có núi cao, sông sâu, đồi dốc trung du xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp.

Ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên cho Đà Nẵng, thành phố còn được bao bọc bởi ba Di sản văn hóa thế giới: HuếHội An, Mỹ Sơn. Xa hơn một chút nữa là di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia phong Nha – Kẻ Bàng. Vì thế Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung. Nhờ vậy Đà Nẵng được xem là thành phố của du lịch, thành phố của những di tích và của những danh lam thắng cảnh.

Các tour du lịch Cao Bằng được ưa chuộng nhất năm 2020

Giá: 5.890.000đ
Giá: 4.090.000đ
Giá: 5.690.000đ
Giá: 990.000đ
Giá: 680.000đ
Giá: 530.000đ
Giá: 780.000đ
Giá: 2.420.000đ

Với mỗi khoảng thời gian khác nhau, Đà Nẵng sẽ có những nét đẹp riêng cuốn hút du khách (tùy theo sở thích riêng của mỗi người), tuy nhiên để đảm bảo sẽ có những trải nghiệm tuyệt nhất bạn có thể tham khảo một vài thông tin như sau

  • Tháng 1-3 thời tiết Đà Nẵng có hơi một chút se lạnh nhưng khá đẹp, nhiệt độ ở ngưỡng vừa phải
  • Tháng 4-5 thời tiết chuyển dần sang mùa hè nhưng đôi khi vẫn còn sương mù nên nếu ưa thích chụp ảnh biển có lẽ bạn nên chờ thêm một chút nữa.
  • Tháng 6-8 là mùa mưa của miền Bắc nhưng lại là mùa nắng nóng của miền Trung, lúc này đến Đà Nẵng quả là tuyệt vời nhé.
  • Tháng 9-12 Đà Nẵng (và miền Trung) bắt đầu vào mùa mưa, bão nên không thuận lợi lắm cho các bạn di chuyển, nếu đến Đà Nẵng lúc này gần như chỉ có thể trải nghiệm cảm giác mưa bão miền Trung kết hợp với tour khám phá ẩm thực Đà Nẵng thôi.
  • Rất gần Đà Nẵng là phố cổ Hội An, bạn có thể kết hợp để du lịch 2 địa điểm này cùng một khoảng thời gian. Chú ý là phố cổ Hội An thường tắt điện vào tối 14 âm lịch hàng tháng nhé.

Bãi biển Mỹ Khê

Tạp chí Forbes đã bình chọn Mỹ Khê là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Nhìn từ trên cao, biển Mỹ Khê “hút hồn” du khách bởi một màu xanh trải dài tới tận chân trời. Đặc biệt, khi hoàng hôn buông xuống, nơi đây khoác lên mình một tấm áo mới mang màu sắc trầm lặng, tĩnh mịch hơn, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.

Mỹ Khê  bao gồm 3 khu bãi tắm chính :

  • Ngay ngã ba đường Phạm Văn Đồng cắt tuyến đường ven biển là bãi tắm công viên trung tâm Phạm Văn Đồng. Nơi đây còn phục vụ cho nhu cầu tắm biển ban đêm của khách du lịch và người dân địa phương. Bãi tắm đêm Đà Nẵng là một trong những bãi tắm đêm đầu tiên ở Việt Nam, được quản lý an toàn tốt, có đội cứu hộ thường xuyên túc trực và có hệ thống chiếu sáng hiện đại.
  • Rẽ phải khoảng 500m là Bãi tắm T20-T18, gắn liền với lịch sử hình thành của khu điều dưỡng quân đội T20-T18 và gần hơn với khu Non Nước. Bãi tắm này có bờ cát ngắn, biển sâu và thường có sóng lớn hơn, rất thích hợp với các môn thể thao biển cảm giác mạnh và đã từng tổ chức giải lướt ván diều quốc tế, khu vực này cũng khá nhộn nhịp hàng quán.
  • Rẽ trái khoảng 300m là Bãi tắm số 1-2-3. Bãi tắm này thông liền với công viên biển Phạm Văn Đồng, và là bãi tắm chính của biển Mỹ Khê. Bãi tắm số 1-2-3, có bờ cát rộng và dài, biển thoải và ít sóng cuốn, rất hợp với các gia đình, trẻ nhỏ, người già. Đó cũng là một lý do để chọn làm bãi tắm chính của thành phố với đầy đủ các tiện nghi phục vụ tắm biển.

Bãi biển Mỹ Khê hấp dẫn với cát trắng mịn, nước biển trong xanh, cùng hàng dừa thơ mộng và là điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến du lịch Đà Nẵng.

Bán đảo Sơn Trà

Sơn Trà là tên một bán đảo và ngọn núi thuộc quận Sơn Trà (tên quận đặt theo tên bán đảo), nằm cách trung tâm thành phố  chừng 10 km.  Bán đảo Sơn Trà cùng với đèo Hải Vân bao bọc thành phố Đà Nẵng và vịnh Đà Nẵng. Vì vị trí như vậy nên Sơn Trà như một tấm bia che chắn cho Đà Nẵng trước các thiên tai đến từ biển.

Thời xa xưa, Sơn Trà là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía đông nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Và ngọn phía bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Qua thời gian dài, dòng nước biển chảy ven bờ đã tải phù sa đến bồi đắp dần lên tạo thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo, bán đảo Sơn Trà hình thành từ đó. Ngày nay ngay tại những ngọn này hình thành những khu du lịch nổi tiếng như Bãi Rạng, Bãi Đa, Bãi Bụt, hay khu nghỉ ngơi Đông Dương. Đặc biệt nơi đây có ngôi chùa Linh Ứng linh thiêng và huyền bí, là điểm đến lý tưởng của du khách đến Đà Nẵng.

Chùa Linh Ứng

Chùa Linh Ứng, Sơn Trà là một trong ba ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng ở Đà Nẵng. Không rõ là do vô tình hay do chữ duyên mà cả ba ngôi chùa đều được tọa lạc trên những vị thế đắc địa của thành phố Đà Nẵng, tạo thành một tam giác linh thiêng trong thành phố. Đó là chùa Linh Ứng Non Nước, nằm trên hòn Thủy Sơn của ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Chùa Linh Ứng Bà Nà, nằm trên chót vót núi cao của địa danh nghỉ mát “Đà Lạt của miền Trung” và Linh Ứng Bãi Bụt, Sơn Trà, nằm lưng chừng núi – bán đảo Sơn Trà. Linh Ứng Tự Bãi Bụt là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất trong 3 ngôi chùa.

Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt sừng sững trên khu đất rộng 20 ha của núi Sơn Trà với những hạng mục chánh điện, nhà tổ, giảng đường, tăng đường, thư viện, nhà ăn, nhà cầu, vườn tượng các vị la hán và hiện còn xây dựng công trình chưa hoàn tất. Ngôi chùa mang một phong cách hiện đại kết hợp với tính truyền thống vốn có của chùa Việt Nam.

Điểm nhấn quan trọng của Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là tượng Phật Quán Thế Âm được xem là cao nhất Việt Nam (67m). Tượng đứng tựa lưng vào núi mặt hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa, mang theo bao lời cầu mong về một vụ mùa sóng yên biển lặng và quốc thái dân an.

Hải đăng Sơn Trà

Hải đăng Sơn Trà hay còn gọi là hải đăng Tiên Sa, nằm tại đỉnh Hòn Sơn Trà với độ cao khoảng 223m so với mặt nước biển, là một trong những ngọn hải đăng đẹp nhất Việt Nam, được xây dựng vào những năm 50 của thế kỷ 20 do Pháp xây dựng. Hải đăng có đèn độc lập, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng có thể định hướng và định vị trí của mình. Ngọn hải đăng cao 15,6m, rộng trung bình 2,7m, với tầm nhìn địa lý là 14 hải lý, chiều cao tâm sáng là 238,4m.

Cầu

Cầu Sông Hàn

Cầu sông Hàn được khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1998, khánh thành ngày 29 tháng 3 năm 2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 02 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.

Cầu Rồng

Cầu Rồng là cây cầu thứ 7 và là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn. Vì cây cầu có hình dáng giống 1 con rồng nên được gọi là Cầu Rồng. Dài 666m và rộng 37.5m với 6 làn xe chạy. Nó được chính thức thông xe ngày 29 tháng 3 năm 2013. Cầu được thiết kế và xây dựng với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và phun nước như thật. Theo thiết kế, con rồng trên cầu có thể phun lửa trong hai phút và kế tiếp là 3 phút phun nước khiến cầu đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng, độc đáo và hấp dẫn ở Thành phố Đà Nẵng. Hiện tại, thời gian phun lửa và phun nước bắt đầu vào lúc 21h00 các ngày Thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần và các ngày Lễ lớn.

Cầu Thuận Phước

Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng bắc qua 2 bờ sông Hàn đổ ra Vịnh Đà Nẵng, nối đường Nguyễn Tất Thành với cầu Mân Quang, giữa 2 Quận Hải Châu và Sơn Trà. Nhìn từ mọi góc độ, cầu Thuận Phước đều mang một dáng vẻ hiện đại, lộng lẫy và đầy quyến rũ. Cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa – Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An. Từ đó, một hệ thống giao thông – du lịch hoàn chỉnh được hoàn thiện, mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng mà cho cả các địa phương lân cận như Hội An và Thừa Thiên – Huế.

Sun Wheel

Vòng quay Mặt Trời nằm trong khuôn viên công viên giải trí châu Á đang trở thành một địa điểm thu hút người dân Đà Nẵng cũng như du khách du lịch. Vòng quay có thời gian là 15 phút bao gồm 64 cabin (6 người) có thể chứa tối đa 384 khách. Từ vòng quay này, du khách có thể thu vào tầm mắt một Đà Nẵng lung linh về đêm hay huyền ảo dưới ánh hoàng hôn. Với độ cao 115m, du khách hoàn toàn có thể thưởng ngoạn toàn cảnh Đà Nẵng với góc nhìn từ trên cao.

Núi Ngũ Hành Sơn

Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là tên chung của một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Nơi này nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng – Hội An.

Khu du lịch Bà Nà

Núi Bà Nà toạ lạc 1 khu vực thuộc về dãy núi Trường Sơn nằm ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, cách Đà Nẵng 25 km về phía. Sau năm 2000, Bà Nà đã được đánh thức và tái tạo vị thế một thị trấn du lịch và nhanh chóng trở lại ngôi vị của một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất của thành phố Đà Nẵng.

Chùa Linh Ứng

Tọa lạc ở độ cao trên 1.400m, chùa Linh Ứng được khánh thành ngày 05/03/2004. Kiến trúc chùa chữ Tam gần giống với kiến trúc của chùa Tam Thai, cả khoảng sân rộng được lát bằng đá. Phía trước chùa có một cây thông ba lá quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam.

Chùa có một bức tượng Thích Ca Phật đài uy nghi, cao 27m màu trắng mà những ngày nắng ráo, từ thành phố Đà Nẵng có thể nhìn thấy bức tượng trắng muốt này. Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông. Về kiến trúc và thờ tự, chùa Linh Ứng Bà Nà giống với Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn và do cùng một vị sư trụ trì.

Hải sản Đà Nẵng

Đà Nẵng nổi danh bởi nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, bên cạnh đó, các món hải sản phong phú, tươi ngon cũng là “điểm cộng” cực hút khách. Bạn có thể đi dọc đường Hoàng Sa để lựa chọn cho mình một quán nhậu bình dân để ăn hải sản, giá hải sản ở đây luôn rẻ hơn trong các nhà hàng ở trung tâm thành phố nhưng cũng vẫn rất tươi ngon .

Cua sốt me

Nếu là một tín đồ hải sản chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên được cái hương vị thơm nồng từ mùi cua biển và nước sốt me bốc lên trong một buổi chiều đầy gió. Từ từ cảm nhận hương vị của món ăn bằng cách gỡ từng miếng thịt cua săn ngọt chấm vào nước sốt me sền sệt, chua ngọt là bao nhiêu suy nghĩ sẽ “tạm ngưng ngay”, nhường chỗ cho cảm giác mê li đang chiếm lấy đầu lưỡi của bạn.

Các loại sò điệp  hay sò lông đều có vị ngọt, mềm, thơm được nướng trên than hồng kèm hành mỡ vừa tới thơm lừng cùng bùi, béo của lạc sẽ khiến bạn không thể nào quên.

Ốc hút

Ốc sau khi được ngâm với nước vo gạo để rã hết đất sẽ được cắt đít rồi đem xào chung với ớt, nước cốt dừa, gừng xả để những gia vị ấy thấm đều vào từng con. Ốc hút thường được ăn kèm với đu đủ xanh và bánh tráng. Chỉ nghĩ đến cái giòn tan của bánh tráng quyệt với ốc thơ, nước ốc sền sệt thơm lừng có đủ vị mặn ngọt, cay bùi cũng đủ “bắt thèm” những người đã từng được thưởng thức món quà dân dã này của Đà Nẵng.

Tôm

Đây là loại hản sản quen thuộc thường thấy ở nhiều vùng biển, trong đó có Đà Nẵng. Tôm được tẩm ướp kỹ càng bằng các loại nguyên liệu riêng theo công thức của mỗi quán, sau đó tất cả được xiên que và nướng trên than hồng.

Bạch tuộc nướng

Bạch tuộc tươi ngon được ướp đẫm gia vị rồi đem nướng trên bếp than. Thịt bạch tuộc dai, sực sực, khi nướng quét thêm một lớp tương cay cay ở trên. Ăn kèm với xoài và rau răm chấm đẫm trong chén nước mắm cay mùi ớt.

Các loại bánh

Bánh xèo

Bánh xèo là một loại bánh có bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được rán màu vàng, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt. Tuỳ theo từng địa phương mà bánh được thưởng thức với nét đặc trưng riêng. Thường có 2 phong cách: đổ bánh xèo giòn và bánh xèo dai. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non. Cầu kỳ nhất là ở các vùng miền Trung Việt Nam, ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua.

Ở Đà Nẵng, bánh xèo tôm nhảy giờ là một trong những món ăn khá nổi tiếng. Có nhiều quán bánh xèo tôm nhảy, nhưng quán lâu đời và đậm chất là quán Năm Hiền, bánh ở đây khi khách gọi mới đổ, bánh làm từ gạo nguyên chất, đúc cùng với tôm đất và thịt bò rất ngon, khi ăn cuốn cuốn với bánh tráng gạo và chấm với 2 loại nước tương và nước mắm chua ngọt hương vị riêng của quán

Bánh bèo

Cũng giống như bánh nậm, bánh bèo được làm từ bột gạo, sau đó được tráng vào những chiếc chén nhỏ hấp chín phần bột. Khi được bày trên khay bưng lên cho khách dùng mới được rắc lên trên phần thịt tôm đã giã nhuyễn xào với hành tỏi, không thể thiếu miếng tóp mỡ giòn tan. Màu trắng của bánh có vẻ tinh khiết cùng với màu hồng tươi rực rỡ của nhụy tôm tạo cho khách ăn cảm giác vừa mắt, ngon lành. Bánh bèo ăn với nước chấm là nước mắm ngon có ớt, tỏi được pha rất khéo khiến người ăn đôi khi có thể húp nước chấm mà không sợ mặn.

Bánh bột lọc

Bánh bột lọc với nguyên liệu chính là bột lọc, làm từ củ sắn hay còn gọi là củ khoai mì. Bột sắn sau khi đã lọc đem luộc một phần vớt ra để nguội rồi nhào với phần bột còn sống, bánh phải được nhồi vừa tay, không nhão quá mà cũng không khô quá, đảm bảo khi hấp chín lên thì trong vắt, nhìn thấy rõ tôm thịt gói bên trong. Khi ăn cắn làm đôi thì bột phải mềm, nhưng dai. Lúc gói bánh lọc thì phải cẩn trọng không để bột xìa ra ngoài lá, lớp lá dù bánh nóng nguội đều phải bóc dễ dàng. Bánh lọc thường được dùng kèm nước mắm ruốc rất thơm ngon, thêm trái ớt xanh hít hà thì còn gì bằng.

Bánh căn

Cũng là những chiếc bánh nhỏ được làm từ bột gạo, có hình tròn, song, so với bánh cùng loại ở Nha Trang và Đà Lạt thì bánh căn Đà Nẵng có một nét riêng khác biệt từ cách ăn cho đến hình thức. Nếu bánh căn ở Nha Trang và Đà Lạt, khi đổ bánh gần như không dùng đến dầu ăn thì bánh căn Đà Nẵng lại được chiên ngập dầu. Và đây là điểm khác biệt lớn nhất để tạo nên cái riêng của món ăn này tại Đà Nẵng. Điều này giải thích cho việc tại sao bánh căn Đà Nẵng lại giòn rụm, có màu vàng ươm còn bánh căn ở Nha Trang và Đà Lạt thì đặc ruột hơn, mềm chứ không giòn và thường có màu trắng tinh của bột gạo.

Bánh cuốn thịt nướng

Bánh cuốn được làm từ bột gạo nguyên chất, khi tráng xong có màu trắng muốt với phần nhân đi kèm là một ít nấm mèo, thịt nạc vai được băm nhỏ. Bánh bày ra dĩa sẽ được cho thêm ít dăm bông, hành phi nhà làm lên trên cùng để tăng hương vị. Ăn kèm với bánh cuốn gồm có rau sống, đồ chua ngọt, nước mắm tỏi ớt và đặc biệt là xiên thịt nướng.

Mì Quảng

Khi nói đến mì Quảng không nhất thiết là nói đến món ăn đặc sản của Quảng Nam – Đà Nẵng mà là nói đến một món ăn đặc trưng của người miền Trung nói chung. Mì Quảng thường được làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm. Sợi mì làm bằng bột mỳ được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ giòn, dai. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ… Thông thường nước dùng rất ít.

Cơm gà

Phải công nhận không biết cơm gà ở những nơi khác ra sao chứ cơm gà ở Đà Nẵng ngon tuyệt vời. Không quá béo, không quá chín vàng, ngọt vừa đủ, thơm vừa đủ ăn với cơm vừa dai bùi vừa thơm dẻo cái vị gà rán và cơm dẻo thì đúng là không gì sánh bằng.

Nem lụi

Nem lụi khá phổ biến ở nhiều tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Từ Đà Nẵng trở vào, người ta thường ăn nem lụi với bánh tráng nướng giòn. Ở mỗi địa phương, nem lụi có một hương vị khác nhau, tùy khẩu vị và cách chế biến. Nem lụi ngon hơn còn nhờ món nước lèo đặc trưng, giống như thứ nước lèo chấm bánh khoái.  Khi ăn, quấn nem trong bánh tráng cùng các loại rau rồi chấm trong bát nước lèo.

Bánh tráng cuốn thịt heo

Bên cạnh món mì Quảng khá ngon ở quán này thì món bánh tráng cuốn thịt heo ở đây cũng hấp dẫn không kém. Hương vị giản dị mà đặc biệt của món ăn này đã tạo nên biết bao nhiêu nỗi “nhớ thương” cho các bạn trẻ từng được nếm qua mỗi khi ghé thăm thành phố Sông Hàn.

Ăn kèm với bánh tráng cuốn thịt heo là chén nước mắm nêm được pha rất đậm đà, thơm phức. Bên cạnh đó, ăn bánh tráng cuốn thịt heo mà không có rau sống thì coi như là một sự thiếu sót rất quan trọng. Dĩa rau sống bắt mắt với đủ loại, tươi non góp phần không nhỏ làm nên vị ngon tuyệt vời.

Bánh canh

Ở Đà Nẵng, có rất nhiều món bánh canh khác nhau: Bánh canh cá lóc, bánh canh  thịt chả, bánh canh cua…Món Bánh canh có thể được nấu từ bột gạo, bột mì, nhưng phổ biến hơn cả là bột lọc (làm từ củ sắn). Sợi bánh canh thường to gần bằng chiếc đũa, dài và dai. Ăn bánh canh phải “vừa ăn, vừa thổi” vì chỉ khi bắt đầu ăn, sợi bánh mới được thả vào nồi nước đang sôi sùng sục, nếu không bánh sẽ nở to, đặc queo.

Bún bò

Bên cạnh Bún bò Huế nổi tiếng thì miền Trung còn có bún bò Quảng Nam – Đà Nẵng cũng là một món ăn rất đặc sắc. Bún bò Quảng Nam – Đà Nẵng thường ăn bún sợi nhỏ, với thịt tái hoặc bắp bò, thoảng mùi sả và điểm chút hương mắm ruốc, nhưng không dậy mùi như bún bò Huế. Khi ăn cho thêm hành chua, ớt ngâm vào để kích thích khẩu vị.

Bún chả cá

Tô bún với các viên chả cá được làm theo những công thức riêng, nước lèo được chế biến từ cá biển ăn cùng với ớt tỏi, hành hương và ớt xanh ngâm giấm đường. Vị chua chua ngọt ngọt của hành hương cộng với vị cay xé của ớt tỏi sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị khó tả và không thể nào quên đối với món bún chả cá Đà Nẵng. Món ăn được sử dụng kèm với rau sống, tuy không cầu kì như rau sống mì Quảng nhưng rau cũng cần phải tươi và đủ loại như xà lách, húng, quế và đặc biệt phải có giá đỗ sống đi kèm.

Bún mắm nêm

Món ăn đậm bản sắc vùng miền này được gọi là bún mắm nêm, bún mắm Đà Nẵng hay bún mắm miền Trung để phân biệt với bún mắm đặc sản của miền Tây Nam Bộ. Dẫu được biến tấu như thế nào thì “cái hồn” của món ăn dân dã này vẫn chính là nguyên liệu nước mắm nêm, chén mắm thơm ngon quyết định chất lượng tô bún. Khi ăn, người bán sẽ trải một lớp rau sống dưới đáy tô, kế đến là một lớp bún, thịt hoặc nem, chả ăn kèm, mít non luộc chín, hành phi vàng giòn, đậu phộng rang, đu đủ bào sợi mỏng và chan mắm nêm đã pha lên trên.

Gỏi cá Nam Ô

Là món ăn Đà Nẵng nổi tiếng bao đời, gỏi cá Nam Ô là đặc sản của vùng đất giàu nét văn hóa ẩm thực này. Cá để chế biến món gỏi là cá mòi, cá tớp, cá cơm…Ngon và thích hợp nhất là cá trích, vì cá này thịt có vị ngọt, săn chắc. Cá trích sống gần bờ được các ngư dân đánh bắt quanh năm nên còn là nguồn nguyên liệu dồi dào cho món gỏi. Cá trích cỡ lớn hơn ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và “thính”.

Nếu có thời gian và muốn trải nghiệm cảm giác lái xe đường dài (với cả xe máy và ô tô) các bạn có thể tự mình đi từ Hà Nội/Sài Gòn tới Đà Nẵng. Từ Hà Nội vào các bạn có thể dừng tại Quảng Bình ghé thăm di tích Phong Nha Kẻ Bàng, Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, thăm cố đô Huế rồi vượt đèo Hải Vân để tới Đà Nẵng. Từ Sài Gòn ra Đà Nẵng bạn có thể khám phá cung đường ven biển Nam Trung Bộ tuyệt đẹp chạy dọc từ Bình Thuận tới Đà Nẵng.

Phương tiện công cộng

Đường bộ

Nằm trên trục đường giao thông huyết mạch của cả nước, các chuyến xe chạy Bắc Nam sẽ đi qua Đà Nẵng hàng ngày nên số lượng đầu xe là rất lớn, chưa kể đến hàng chục các tuyến xe chạy trực tiếp tới Đà Nẵng từ Hà Nội và Sài Gòn. Nếu khởi hành từ Hà Nội sẽ mất khoảng 16 tiếng và 25 tiếng nếu khởi hành từ Sài Gòn cho 1 hành trình tới Đà Nẵng. Nếu thích du lịch bằng xe giường nằm, các bạn nên chọn các tuyến xe Open Bus bởi những xe này thường dừng để trả và đón khách ở những địa điểm du lịch nổi tiếng.

Đường sắt

Có một thông tin rất thú vị mà chắc chỉ những ai hay đi tàu Bắc Nam mới biết, đó là với mỗi chuyến tàu chạy qua ga Đà Nẵng sau đó sẽ luôn đổi ngược lại chiều của toa tàu. Nếu từ Hà Nội tới Đà Nẵng các bạn đang ngồi xuôi thì sau khi rời ga Đà Nẵng các bạn sẽ ngồi ngược.

Từ Hà Nội hàng ngày có 6 chuyến tàu đi Đà Nẵng là SE1, SE3, SE5, SE7, SE9, SE19. Xét về khía cạnh hợp lý trong việc thời gian di chuyển, các bạn có thể quan tâm tới chuyến tàu SE1 (đi từ Hà Nội 22h20 đến Đà Nẵng 13h25SE3 (đi từ Hà Nội 19h30 đến Đà Nẵng 11h05) hoặc SE19 (đi từ Hà Nội 20h10 đến Đà Nẵng 12h20)

Từ Sài Gòn hàng ngày có 6 chuyến tàu đi Đà Nẵng là SE2, SE4, SE6, SE8, SE10 và SE22. Tương tự, các chuyến tàu đến Đà Nẵng vào ban ngày là SE2 (đi từ Sài Gòn 21h55 đến Đà Nẵng 13h37SE4 (đi từ Sài Gòn 19h25 và đến Đà Nẵng lúc 12h16) và SE22 (đi từ Sài Gòn 11h40 và đến Tam Kỳ lúc 6h28)

Đường hàng không

Hiện tất cả hãng hàng không đều có đường bay thẳng tới Đà Nẵng với giá vé rẻ nhất có thể đặt trong mùa cao điểm từ 1000k tới 3000k cho chặng bay khứ hồi từ Hà Nội hoặc Sài Gòn. Nếu đặt vé vào các thời gian thấp điểm (khoảng cuối năm) hoặc bay vào những giờ không được đẹp lắm các bạn có cơ hội đặt được vé giá rẻ hơn.

Một lợi thế khá lớn của sân bay Đà Nẵng là nằm ngay trong thành phố, chính vì vậy mà chi phí di chuyển bằng taxi từ sân bay về khách sạn hoặc thậm chí là về thẳng khu phố cổ Hội An tương đối dễ chịu.

Đi lại ở Đà Nẵng

Xe máy

Khí hậu trong lành, giao thông thuận tiện là những lợi thế để các bạn có thể sử dụng xe máy di chuyển trong những ngày ở Đà Nẵng. Hầu như không kẹt xe, đường xá lại tương đối thông thoáng và dễ đi nên kể cả với những bạn không giỏi đi xe chắc cũng có thể đi được.

Việc thuê xe máy lại vô cùng dễ dàng, chi phí cũng hợp lý, hầu như bất cứ chỗ nào trong thành phố bạn cũng có thể tìm thấy địa điểm thuê xe, thậm chí các dịch vụ thuê xe còn giao tận khách sạn. Tuy vậy đi xe máy chỉ hợp với những nhóm bạn/gia đình trẻ thích lang thang, khám phá các ngõ ngách thôi. Nếu đi gia đình có trẻ em hay người già các bạn hãy tham khảo các phương án đi lại khác.

Xích lô

Tại một số địa điểm du lịch hoặc khách sạn nổi tiếng, thường có sẵn một số xích lô để phục vụ những du khách thích ngắm thành phố chậm rãi. Trên những vòng xe xích lô dạo phố, du khách có dịp đi ngang những điểm đến nổi tiếng của thành phố như Nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, đường Bạch Đằng, chợ Hàn, đường Trần Phú, cầu Sông Hàn, đường Nguyễn Tất Thành, đường Hoàng Sa… Thời gian thích hợp để dạo phố là buổi sáng và lúc trời chiều đã trở nên mát mẻ hơn.

Taxi

Là một thành phố du lịch nên taxi có thể bắt gặp ở mọi nơi, đây là phương tiện giao thông phổ biến và thuận tiện đối với hầu hết du khách do dễ gọi xe

Xe buýt

Không nhiều xe như mạng lưới xe buýt của Hà Nội hay mạng lưới xe buýt Sài Gòn nhưng các tuyến xe buýt ở Đà Nẵng cũng khá đủ để di chuyển tới một số địa điểm nổi tiếng. Thành phố Đà Nẵng cũng vận hành 2 tuyến xe buýt phục vụ du lịch xuất phát từ sân bay và đi tới một số địa điểm nổi tiếng trong thành phố, mạng lưới xe buýt kế cận đi Hội An hay Huế cũng có. Vậy nên về cơ bản, nếu đi 1 mình, muốn tiết kiệm chi phí, không muốn tự lái xe thì phương án di chuyển bằng xe buýt tương đối phù hợp với bạn.

Grab

Cùng với Hà Nội và Sài Gòn, Đà Nẵng là thành phố mà ứng dụng Grab Car được phép hoạt động, số lượng xe không nhiều như 2 thành phố lớn kia nhưng cũng thoải mái, giá Grab không chắc rẻ hơn taxi nhưng việc gọi xe bằng ứng dụng sẽ thuận lợi hơn trong việc theo dõi xe cũng như có thể sử dụng các hình thức thanh toán không cần tiền mặt.

Là một Thành phố du lịch nên Đà Nẵng được đầu tư rất nhiều về hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở cũng như lĩnh vực nhà hàng khách sạn. Hiện thành phố có gần 500 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 15000 phòng (trong đó 20% được xếp hạng từ 3 sao trở lên). Với sự phát triển và gia tăng nhiều thương hiệu uy tín về cơ sở lữ hành và lưu trú, Đà Nẵng hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu đến địa phương du lịch của du khách ngày một tăng.

Resort

Với một dải bờ biển dài, Đà Nẵng có tương đối nhiều resort cao cấp nằm ngay sát biển. Tuy vậy, ở Đà Nẵng các khu resort này được quy hoạch xa hơn so với khu bãi biển trung tâm, không chiếm mất không gian công cộng của du khách nhưng vẫn đảm bảo không gian riêng tư cho khách hàng nghỉ tại đây

Khách sạn/Nhà nghỉ

Khách du lịch đến Đà Nẵng thường có 2 lựa chọn về vị trí khách sạn, ở các khu gần biển hoặc ở bên trong phía trung tâm. Ở gần biển thì sẽ thuận lợi cho các bạn ra tắm biển, ở gần trung tâm sẽ thuận lợi khi đi ăn uống chơi bời. Tùy vào sở thích mà các bạn lựa chọn cho phù hợp.

Homestay

Như bao địa điểm du lịch khác, homestay ở Đà Nẵng thường là những khách sạn/nhà nghỉ mini với quy mô phòng nhỏ, được thiết kế đẹp và giá cả phải chăng để thu hút du khách là các nhóm bạn trẻ. Ở tại những homestay kiểu này, ngoài tiết kiệm chi phí các bạn còn có thể giao lưu với nhiều nhóm bạn cùng sở thích, nhận được sự hỗ trợ từ chủ nhà (thường là các bạn trẻ người địa phương) trong công cuộc khai phá các góc chơi bời và ăn uống của thành phố này.